NGHĨA CỬ KHỞI NGUỒN
THÀNH LỄ HỘI TÂM LINH
Ảnh trên: Thả hoa tưởng nhớ đồng đội (hai ảnh trên)
Ảnh dưới: Lê Bá Dương (trái) và tác giả
Mùa ngày hè rực nắng năm 1976 – một năm sau ngày miền Nam được giải phóng, 4 năm sau chiến thắng Quảng Trị - một người lính quê Nghệ An của Trung đoàn 27 Anh hùng (Trung đoàn Xô Viết Nghệ Tĩnh, về sau mang tên Trung đoàn Triệu Hải, đơn vị chủ lực của Mặt trận B5) vẫn còn đang tại ngũ, nhưng được tăng cường về công tác tại cơ quan tỉnh ủy Khánh Hòa trở lại Quảng Trị. Từ miền Tây Bắc của tỉnh giới tuyến thời đất nước chia cắt này, giữa ngút ngàn rừng xanh còn hằn sâu vết tích của bãi chiễn trường, trong nỗi nhớ thương da diết đồng đội, một mình anh lặng lẽ hái những bông hoa rừng thả xuống những khe suối, dòng sông tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn tại nơi này của cái thủa “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Rời miền Tây Bắc Quảng Trị, anh lầm lũi đi về xuôi, lại lặng lẽ hái hoa rừng, gặp nơi nào chợ có hoa thì mua rồi tiếp tục thả hoa xuống cầu Đuồi, cầu Lai Phước trên sông Hiếu, sông Ô Lâu, sông Thạch Hãn... Từ đó về sau, mỗi dịp về Quảng Trị, anh lại lặng lẽ làm nghĩa cử thả hoa không mệt mỏi ấy.
Hơn mười năm sau, nghĩa cử thả hoa tưởng nhớ đồng đội của anh gây nên niềm xúc động mạnh liệt. Ấy là vào dịp 27/7/1987, khi anh đã rời quân ngũ, anh và một số cựu chiến binh Trung đoàn 27 về lại Triệu Hải (Triệu Phong, Hải Lăng) và thị xã Quảng Trị, nơi Trung đoàn 27 chúng tôi cùng các đơn vị chủ lực khác làm nên mùa hè đỏ lửa 1972 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ. Hôm ấy anh dậy sớm hơn những người cùng đi, một mình lặng lẽ ra chợ TX Quảng Trị mua hết hoa tươi ở tất cả các hàng hoa rồi thuê người chuyển xuống bến sông Thạch Hãn. Tại đây, anh thuê một con đò ngược xuôi trên đoạn sông chảy bên thành cổ Quảng Trị - nơi hàng vạn chiến sỹ bị hỏa lực dày đặc của kẻ thù ngăn chặn đã hóa mình vào sông nước khi vượt sông vào tăng cường chiến đấu bảo vệ thành cổ - để thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Sau 4 tiếng đồng hồ thuê đò thả hết số hoa đã mua, anh lấy tiền trả cho bà mẹ lái đò. Thay vì nhận tiền thuê theo thỏa thuận 6.000 đồng/giờ, bà mẹ lái đò đột ngột phủ phục xuống quỳ lạy và nghẹn ngào nấc lên từng tiếng: “Mi... mần rứa... mần răng mệ (mẹ)... lấy tiền mi!” Thế rồi hai con người ấy ôm chặt lấy nhau mà khóc. Nước mắt hai người nén lại suốt mầy giờ qua cứ tuôn chảy làm ướt hết vai áo của nhau. Hóa ra từ đáy lòng mình, ngay từ đầu bà mẹ lái đò đã thấu hiểu nghĩa cử của anh.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 27 cùng về Quảng Trị với anh thức dậy muộn hơn bàn nhau ra chợ mua hoa viếng liệt sỹ, nhưng đi mỏi hết chân mà chợ Quảng Trị chẳng còn một bông hoa nào. Khi người dân ở chợ cho biết từ mờ sáng, có một chú bộ đội đã mua hết hoa rồi thì các anh mới sực tỉnh. Không ai bảo ai, họ chạy ào ra bến sông Thạch Hãn. Tất cả đều lặng lẽ sững sờ khi thấy dòng sông như nghẽn lại vì hoa tươi và trên con thuyền nhỏ chòng chành trên sóng nước, bà mẹ lái đò cùng người đồng đội đang ôm nhau khóc. Thế rồi tất cả cùng khóc, nước mắt của những người lính một thời trận mạc và bà mẹ lái đò cùng đổ xuống dòng sông Thạch Hãn.
Câu chuyện xúc động giàu chất nhân văn ấy lan nhanh khắp TX Quảng Trị. Từ đấy, hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày TBLS 27/7, không chỉ những người cựu chiến binh hành hương về Quảng Trị mà người dân TX Quảng Trị không ai bảo ai đều ra bến sông từng nhuộm đỏ máu, thả hoa viếng các liệt sỹ. Từ nghĩa cử thả hoa được khởi nguồn từ cựu chiến binh Trung đoàn 27, lan rộng tới các tầng lớp nhân, tỉnh Quảng Trị đã nâng nghĩa cử ấy lên thành Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn. Đáp ứng nguyện ước tâm linh ấy, một dự án xây dựng Khu tưởng niệm ở Quảng Trị để hương khói cho vong linh đồng bào, chiến sĩ được quy hoạch. Nằm trong tổng thể quy hoạch đó, năm 2007 Ngân hàng công thương Việt Nam đã xin phép tỉnh Quảng trị đầu tư xây dựng hạng mục Bến thả hoa nối dài ra phía lòng sông tại bờ kè phía Nam Thạch Hãn. ,.
Gần chục năm nay, Lễ hội thả hoa xuống sông Thạch Hãn tưởng nhớ hàng vạn chiến sỹ hy sinh không còn của riêng tỉnh Quảng Trị nữa mà trở thành tâm thức của cả dân tộc. Không chỉ dịp Lễ 27/7 mà bất kỳ ngày nào, mọi con dân đất Việt mỗi khi có dịp về Quảng Trị đều không quên ghé vào thành cổ dâng hương và ra bến sông thả hoa xuống dòng Thạch Hãn. Bến thả hoa phía Nam dần trở nên quá tải, nhất là trong ngày lễ, năm 2009 quần thể Bến thả hoa bờ Bắc Thạch Hãn, nơi năm 1972 hàng vạn chiến sỹ ta lần lượt tập kết vượt sông vào thành cổ được Ngân Hàng phát triển Việt Nam xây dựng với quy mô lớn, gồm: các hạng mục công trình: Sân và Nhà hành lễ, Nhà trưng bày hiện vật, Đài tưởng niệm, bến thả hoa, đồng thời dọc bờ kè ven sông được trồng 81 cây phượng vĩ mang từ phía Bắc vào, ứng với 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa, loài cây mà những liệt sỹ thủa sinh thời thường nô đùa trèo hái hoa trong mỗi kỳ nghỉ hè sau từng năm học. Quần thể Bến thả hoa phía Bắc sẽ địa điểm hành lễ chính hằng năm của tỉnh Quảng trị, của các đoàn hành hương và là nơi hành lễ vào các năm chẵn cấp Quốc gia.
Lễ hội thả hoa đôi bờ sông Thạch Hãn được nâng lên từ nghĩa cử thả hoa của cựu chiến binh, của người dân Quảng Trị và nhân dân cả nước mỗi khi về Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân Liệt Sỹ được khởi nguồn từ một người lính Trung đoàn 27. Người lính ấy là Lê Bá Dương. Anh đồng thời là tác giả của bài thơ tứ tuyệt “Lời người bên sông” được tạc vào bia đá bên các bến thả hoa đôi bờ Thạch Hãn:
“Đò lên Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”!
TÔ LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét