DOANH NHÂN NGUYỄN VĂN MINH:
TRỞ LẠI VỚI QUÊ NGHÈO
Người đi xa trở về, xin hãy ghé qua Tổ hợp của nguyễn Văn Minh, để thưởng thức dịch vụ của anh và điều đặc biệt là hãy nghe giọng ca vàng của vị chủ nhân này. Anh có thể hát tặng khách tùy theo độ tuổi những ca khúc đi cùng năm tháng của cách mạng, phong cách dân ca, cổ điển hay dòng nhạc trẻ hiện đại. Ai đã từng nghe anh hát cũng đắm say và chìm vào chất trữ tình ca khúc anh thể hiện...
Chúng tôi ngỡ ngàng khi đặt chân vào tổ hợp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ở phố Dùng - thị trấn huyện lỵ huyện miền núi Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - một tổ hợp gồm Nhà nghỉ khá sang trọng, khu giải trí Bi a thoáng đãng và đặc biệt là khu Karaokê thật sự hoành tráng cả về tiện nghi phòng hát, dàn âm thanh hiện đại không thua kém ở những thành phố lớn. Mặc dù mức đầu tư không lớn so với đầu tư cùng loại hình ở thành phố, nhưng ở phố Dùng của huyện miền núi Thanh Chương là sự đầu tư có tầm nhìn của thời hội nhập và hơn hết, đó là sự trở lại quê nghèo, nơi sinh ra lớn lên và ra đi của Nguyễn Văn Minh.
Sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Văn, xã kề cận phố Dùng. Là con thứ 7 của gia đình nông dân có tới 9 người con, nên luôn sống trong nghèo đói. Mới 8 tuổi đầu, Nguyễn Văn Minh đã quen với mọi công việc nhà nông, kể cả công việc đồng áng để giúp gia đình. Đói nghèo lam lũ, nhưng Minh luôn nỗ lực học hành. Năm 1984 học xong phổ thông, anh tình nguyện lên công tác trong ngành thương nghiệp ở huyện biên giới Kỳ Sơn cực Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Vừa công tác, anh vừa theo học nghiệp vụ kế toán để gánh vác công việc “người nội trợ xã hội” của ngành thương nghiệp thời bao cấp. Năm 1991, khi Nhà nước xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp, các công ty thương nghiệp miền núi giải thể, anh về phố Dùng lập tổ hợp may mặc. Là người năng động, nhạy cảm, anh nhận thấy cuộc sống người dân huyện Thanh Chương đang dần thay đổi nhờ thành tựu ban đầu của sự nghiệp đổi mới. Người ta bắt đầu đủ ăn, đủ mặc. Một số vươn lên khá giả. Đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần dần được nâng lên. Nam nữ cưới nhau, người ta đã có tập quán trao nhau nhẫn cưới. Các bậc cha mẹ cũng chắt góp tặng dây chuyền cho con trong ngày vui hạnh phúc trăm năm, nhưng mỗi lần như thế phải dắt nhau về TP mua sắm vì cả huyện Thanh Chương ngày ấy không có nổi một tiệm vàng. Khai thác khoảng trống này, anh quyết định mở cửa hàng đại lý Vàng cho các thương hiệu nổi tiếng vừa mục đích kinh doanh, vừa phục vụ nhu cầu của người dân.
Vươn lên làm giàu chính đáng luôn nung nấu trong anh. Mặc dù kinh doanh vàng đang rất thuận lợi, anh vẫn nuôi mộng xuất ngoại. Năm 1998 nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh sang Nga. Bằng sự mẫn cảm trong kinh doanh, sau 2 năm phụ việc cho những người đồng hương, anh đã nhanh chóng nắm chắc nhu cầu thị trường Nga, nên tự mình đứng ra kinh doanh độc lập ngay tại thủ đô Matscova. Mở rộng kinh doanh, anh tự mình sang Trung Quốc “đánh hàng” về Nga. Tiến tới anh trở thành một trong những nhà phân phối hàng cho người Việt kinh doanh tại Nga và cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Cho đến ngày chợ Vòm ở Nga bị đóng cửa, anh mất đi khá nhiều vốn liếng, bởi hàng hóa để lâu ngày bị lỗi mốt, nợ nần của bạn hàng không thu hồi được, chính sách của Nga đối với người ngoại quốc trong đó có Việt Nam bị siết chặt, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cơ hội dường như không còn, anh quyết định trở về Việt Nam sau 10 năm Kinh doanh ở xứ người.
Về nước, anh vẫn đủ sức đầu tư cho cuộc sống, sự nghiệp của mình ở các thành phố, nhưng không hề do dự, anh quyết định trở lại quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên để gắn bó với quê nghèo, góp sức mình vào sự thay đổi quê hương.
Nhận thấy nhu cầu thị trường nhiều lĩnh vực đang bỏ ngỏ, được chính quyền địa phương rải thảm, anh lựa chọn đầu tư Tổ hợp Nhà nghỉ, vui chơi, ca hát. Anh tâm sự: Lĩnh vực anh đầu tư là khai thác khoảng trống trong nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, ngay từ đầu đã đáp ứng nhu cầu của thị trường. Được hỏi vì sao công nghệ kỹ thuật anh đầu tư cho Karaoke lại cao và đắt tiền như thế? Anh cho biết: Văn hóa nghệ thuật là không thể thiếu trong cuộc sống, mình kinh doanh nhưng không thể tách rời phục vụ người dân và đầu tư kỹ thuật tốt nhất là sự tôn trọng nhân dân. Điều ghi nhận là mặc dù trang thiết bị phòng hát hàng đầu hiện nay, kỹ thuật âm thanh nổi, chọn bài bằng màn hình cảm ứng... nhưng giá cả phục vụ chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với các điểm hát ở thành phố cùng mức đầu tư.
Về phố Dùng, xin hãy ghé qua Tổ hợp của nguyễn Văn Minh, để thưởng thức dịch vụ của anh, đặc biệt là được nghe giọng ca vàng của vị chủ nhân này. Anh có thể hát tặng khách tùy theo độ tuổi những ca khúc đi cùng năm tháng của cách mạng, phong cách dân ca, cổ điển hay dòng nhạc trẻ hiện đại. Ai đã từng nghe anh hát cũng đắm say từ kỹ thuật ngậm hơi, nhả từ, nhả câu và chất dọng nam âm vang từng câu hát. Nghe anh say sưa hát, ai cũng nghĩ dường như anh đầu tư kinh doanh không hoàn toàn vì lợi nhuận, mà còn để thỏa sức thả hồn mình vào niềm đam mê từng nốt nhạc, ca từ cùng khách, để rồi chủ và khách cùng tiêu tan mỏi mệt, để con người gần nhau hơn, cùng nắm tay nhau hăng hái hơn trong lao động sáng tạo làm giàu đẹp đất nước quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét